Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hát mỗi ngày
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồi
Mỗi khi ai đó nhắc tới hai từ “quê hương” trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc bồi hồi, da diết. Đó là cảm giác nhớ nhà, nhớ làng xóm, nhớ những cảnh vật quen thuộc… Là niềm khao khát của một người con xa quê luôn mong mỏi được trở về. Là muốn được quay về kí ức tuổi thơ, quay về những ngày cởi trần tắm mưa, chăn trâu thả diều…
Quảng Trị quê tôi – nơi được gọi là khúc ruột của miền Trung. Mảnh đất nghèo mà người ta thường ví rằng mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Tôi cũng chả lấy làm buồn lòng vì điều đó. Quê tôi nghèo thật, là cái nghèo của ngày xưa, là cái nghèo sau khi chiến tranh tàn phá, để lại một vùng đất trơ trọi, nhà cửa, cây cối bị tàn phá, bom đạn, chất độc điôxin rải rác khắp miền quê nhỏ bé này.
Ngày xưa quê tôi bị chiến tranh hành hoành, nơi đây đã xảy ra không biết bao nhiêu trận chiến lịch sử, biết bao chiến sĩ đã dũng cảm hi sinh vì nước, vì dân. Để lại ngày nay là những địa danh lịch sử ghi vào sử sách như vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải chứng nhân lịch sử ngày nay còn đó, Địa đạo Vịnh Mốc nơi ẩn trú của quân dân ta trong những ngày chiến đấu chống giặc, nhà tù Lao Bảo nơi quân thù giam giữ và hành hạ những chiến sĩ chiến đấu cứu nước, nơi các anh, các chị đã kiên cường chịu sự hành hạ của bọn giặc, thà hi sinh chứ không bao giờ chịu khuất phục, Thành cổ Quảng Trị, Đường Chín Khe Sanh với những trận đấu khốc liệt cùng biết bao xương máu đã đổ xuống… Để lại cho tôi cuộc sống yên bình ngày nay. Đây là một niềm tự hào của người dân quê tôi. Và cũng là điều tôi luôn ghi nhớ trong lòng, ghi nhớ công ơn của những con người đã nằm lại nơi đây.
Quê hương hỡi, đã bao lần lỡ hẹn,
Nay tôi về ru lại những vần thơ
Ruộng nương xưa vẫn xanh thẳm mong chờ
Con suối nhỏ uốn quanh dòng kỷ niệm.
Dáng mẹ gầy, đôi mắt buồn da diết,
Mái tóc sương nhuộm trắng góc trời xa.
Lũ em thơ ngơ ngác dưới hiên nhà
Tiếng cười trong ánh hồng niềm mơ ước.
Thương biết mấy những người dân đồng ruộng
Suốt bốn mùa lam lũ với nắng mưa.
Cảnh vật quê hương nghĩa tình chung thủy
In đậm trong tôi tha thiết tự bao giờ.
Quê tôi có những đồng lúa màu xanh mươn mướt khi lúa mới trổ và màu vàng của nắng khi chín đượm. Đó là thành quả của những người nông dân một nắng hai sương cần cù vất vả tạo ra. Từng hạt lúa, hạt gạo thấm đẫm giọt mồ hôi của những người làm nông. Mỗi buổi chiều về khi nắng đã nhạt bớt màu, từng luồng gió thổi nhẹ vào từng cây lúa, làm chúng đong đưa, nghiêng ngã, chạm vào nhau như đang trêu đùa, nghịch ngợm với nhau – gợi hình ảnh lũ trẻ chăm trâu chăn bò tụi tôi hay chơi trò đuổi bắt, trốn tìm vậy.
Quảng Trị quê tôi có những rừng cây cao su, rừng tràm xanh cả một vùng trời. Những người công nhân cao su thức khuya dậy sớm, chịu nắng chịu mưa thất thường, siêng năng làm việc để tạo ra những dòng mủ trắng giúp ích cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Xa Quảng Trị đã lâu rồi, giờ đây sao nhớ thế, nhớ tuổi thơ sáng cắp sách tới trường, chiều lon ton theo mẹ lên lô cao su nhặt củi, trút mủ hay theo lũ bạn đi chăn bò, cắt cỏ. Nhớ những trưa hè trốn mẹ đi chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan, chơi thẻ… Nhớ buổi tối đưa ghế ra ngồi ngắm trăng với ba mẹ và anh trai. Nhớ về Quảng Trị là nhớ những ngày đạp xe 12 cây số trên con đường nhựa phẳng lì về thị trấn đi học, những ngày có nắng, có gió, mưa và giá rét. Là những đêm trung thu đi rước đèn quanh xóm cùng mẹ và lũ trẻ con. Là nhớ những lần bị ba mắng oan, chạy trong mưa và khóc.
Quê tôi có những vùng cát trắng trải dài trên những bãi biển. Biển quê tôi đẹp lắm, những tối đi dạo trên biển, đứng trước biển rồi hét thật to, những muộn phiền như tan biến hết. Tiếng của sóng biển rì rào và những hàng cây du dương êm tai. Tối ở biển thật trong lành và mát mẻ.
Tôi yêu quê tôi lắm! Yêu miền quê đất đỏ bazan cùng cái nắng oi ả, nóng bức, hanh khô khi gió Lào về. Yêu những cơn mưa dầm tháng 9, tháng 10 và mùa lạnh cuối năm. Những buổi sáng co ro trong chiếc chăn bông to sụ ấm áp và chẳng muốn chui ra chút nào, những ngày mưa tầm tã, con đường đất đỏ của xóm trở nên lầy lội khó đi. Yêu tuổi thơ với những chiều tắm mưa cùng đứa bạn hàng xóm, những trưa hè nóng bức năn nỉ xin mẹ tiền đi ăn kem, ăn chè dưới tiếng ve kêu râm ran.
Thương quê tôi lắm. Thương người dân quê mộc mạc và gần gũi, tuy ăn nói có phần cọc cằn thô lỗ nhưng lại có tấm lòng bao dung, thương yêu , giúp đõ nhau khi hoạn nạn khó khăn, thật thà và chất phác. Thương đôi vai gầy của những người cha làm lụng quần quật ngày đêm, thương dáng xanh xao, hao gầy của những người mẹ, luôn âm thầm hi sinh và chịu đựng, vì cuộc sống mưu sinh,vì đàn con thơ dại, mẹ cha già yếu.
Giờ đây, ở nơi chốn đô thị đông đúc và ồn ào này, tôi nhớ và tôi cần hương vị của quê mình lắm. Cần những sáng tỉnh giấc bằng tiếng gà gáy o ó, cần không khí yên tĩnh của vùng quê yêu thương đó. Chứ không phải là tiếng xe cộ ồn ào, tiếng còi, tiếng chuông in ỏi đón tôi vào những sớm mai…
“Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”.
(Trung Quân)
Lúc này đây sao mà muốn được nghe giọng Quảng Trị quê mình, cái giọng nặng trịch với những từ chi, mô, răng rứa… Cái giọng làm nên một chất riêng của người Quảng Trị mình.
Bây giờ quê tôi đã đổi mới. Những vùng đất trống, đồi trọc đã được phủ xanh bằng những rừng cao su, rừng tràm xanh bạt ngàn. Ruộng lúa xanh mươn mướt khi mới trổ, vàng màu nắng khi chín. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên tua tủa, nhà xây mái ngói ngợp màu đỏ. Những con đường trải dài khắp mọi nơi, điện nước hầu hết đã được đưa tới người dân. Trường học khang trang với trang thiết bị đầy đủ. Nhưng vẫn còn những nơi còn nghèo, còn khó lắm, là một người con xa quê, tôi luôn mong ước và muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình, cùng với thế hệ trẻ của tôi xây dựng một vùng quê Quảng Trị không còn nghèo, còn đói nữa.
Hỡi những người con Quảng Trị xa quê, trong tim bạn đã thấm hai từ “quê hương” ?
Quảng Trị ơi, chờ nhé ta sẽ về…
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người…..
Nguồn: tinquangtri.com